Là ngành công nghiệp quan trọng được Chính phủ hết sức quan tâm thúc đẩy phát triển nhưng công nghiệp hỗ trợ vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ, chưa thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ cũng như cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đây là thực trạng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị triển khai về “Định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và Kết nối cung – cầu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ” do Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cùng phối hợp với Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (HHT) tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng – chủ tịch hiệp hội các DN ngành CNHT Hà Nội cho biết:
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia. Đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như nước ta, đang đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh,… Để đạt được mong muốn đó, tất yếu phải thực hiện thành công việc nội địa hóa một cách cơ bản các ngành công nghiệp đó. Muốn vậy, phải phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để các sản phẩm của nó thay thế dần, tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu.
Ông Hoàng cho biết thêm: “Để gia tăng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì vai trò của việc triển khai công tác “Khởi nghiệp – Khởi tạo” các doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT và CNHT phục vụ cho công nghệ cao là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này còn rất thấp.”
Các Doanh nhân tham gia giao lưu tại hội nghị từ phải qua trái “ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc công ty Hikari; TS. Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; ông Lê Huy Thức – Giám đốc PMTT Group
Để giải thích cho vấn đề này ông Nguyễn Đức Cường: Tổng giám đốc công ty Hikari cho rằng: Đa số các bạn trẻ đều lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực IT, nhà hàng, thương mại – dịch vụ mà ít dám đặt trên vào lĩnh vực công nghiệp đặc biệt là công nghiệp phụ trợ một phần do các bạn ít kinh nghiệm, quan hệ hay vốn nên sẽ lựa chọn lĩnh vực nào dễ khởi tạo. Mặt khác, công nghiệp phụ trợ là một ngành đặc thù, thị trường khó tiếp cận, đặc biệt là yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì thế hiện nay, 60% doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT đều do khi đang làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, từ đó ra mở doanh nghiệp và sản xuất ra các sản phẩm giống như đã làm cho doanh nghiệp nước ngoài.”
Theo đánh giá thêm của ông Cường, mặc dù cơ hội cho các bạn trẻ tham gia vào lĩch vực này là khó khăn nhưng không phải là đã đóng lại. Ông gợi ý “Ngay từ trên ghế nhà trường, các bạn nên định hướng mục tiêu của mình là gì, nếu bạn yêu công nghệ, khoa học, yêu chế tạo sản xuất thì bạn mong muốn sau này sở hữu 1 doanh nghiệp về sản xuất cái đó, từ đó bạn mới bắt tay cùng với trường, các doanh nghiệp hình thành nên mối quan hệ 3 bên, sau đó dần dần trong quá trình học tập và phát triển, bạn sẽ có sự đồng hành của doanh nghiệp và có định hướng khởi nghiệp cho bản thân mình. Đó là cách nhanh nhất để tiếp cận với ngành CNHT i khi còn từ trên ghế nhà trường.”
Đồng tình với ý kiến của ông Cường, ông Thức- Chủ tịch HĐQT PMTT Group có thêm một vài lời khuyên đối với các bạn trẻ khi có ý định tham gia vào ngành CNHT “Thứ nhất là cần một nền tảng và định hướng cụ thể. Ví dụ nếu bạn làm về bao bì thì bạn định làm cái gì, nếu bạn làm về nhựa hay tự động hóa thì bạn sẽ làm cái gì. Điều đó có nghĩa bạn phải xác định rõ sản xuất gì, cung cấp cho ai khi tham gia vào lĩnh vực này.
Thứ hai, là phải Marketing sản phẩm. Bạn có thể làm được rất nhiều thứ nhưng bạn phải truyền thông, tiếp cận khách hàng, họ mới biết bạn có thể làm được gì và đạt tiêu chuẩn như thế nào. Vì thế bạn nên tham gia nhiều các triển lãm trong nước và quốc tế của cơ quan tổ chức cũng như bản thân chính doanh nghiệp của bạn mong muốn cần đưa sản phẩm ra ngoài. Khi chúng ta ra ngoài thì có rất nhiều đối tác sẽ tìm đến bởi vì họ đã có sẵn mục tiêu, nên khi thấy sản phẩm của bạn gần với sản phẩm của họ, họ sẽ đề xuất hợp tác”
Việc định hướng các bạn trẻ bước chân vào khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT là điều hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh nền kinh tế cần tiếp sức động lực từ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nhưng để cánh cửa đó mở rộng chào đón các bạn trẻ thì vai trò của Nhà nước và các tổ chức là hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansinba) đã chia sẻ những hỗ trợ từ phía Hiệp hội dành cho các bạn trẻ đang học tập và làm việc trên địa bàn Hà Nội “Từ đầu năm 2017, được sự định hướng, chỉ đạo từ Ban Chấp hành cùng Chủ tịch HANSIBA. Hiệp hội đã hình thành Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (tên gọi tắt là SCSI). Trung tâm này là đơn vị đầu mối thực hiện triển khai công tác khởi nghiệp của Hiệp hội HANSIBA. Với Ban điều hành Trung tâm chính là các doanh nhân của các đơn vị doanh nghiệp Hội viên nòng cốt của Hiệp hội. Với tôn chỉ, phương hướng hoạt động cụ thể. Trên cơ sở có sự tham khảo, nghiên cứu các đơn vị liên quan đến công tác Khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng như các Câu lạc bộ, những tổ chức khác. SCSI đã, đang từng bước thực hiện công tác phát triển các hoạt động. Với mong muốn sẽ góp phần kết nối, tạo ra việc làm cụ thể cho Sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ vào làm việc tại các doanh nghiệp thành viên HANSIBA. Hoặc các doanh nghiệp FDI là đối tác của HANSIBA. Kết nối, tiếp nhận các thực tập sinh, nghiên cứu sinh cho các doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp cho Sinh viên, học viên và các bạn Thanh niên trong lĩnh vực CNHT và CNHT phục vụ cho công nghệ cao…
Bất kể lúc nào Khi các bạn có nhu cầu thì Hansiba và Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sẵn sàng hỗ trợ về nhà xưởng, đầu ra, đối tác hay có thể về tài chính”
Có thể nói, Khởi nghiệp là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nền kinh tế Quốc gia, và việc khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ là định hướng đúng đắn để kết hợp với Nông nghiệp, IT trở thành kiềng 3 chân vứng chắc cho nền kinh tế Việt Nam
#hansiba.vn